26.
Giang Nhiên đến vào buổi chiều. Anh dắt theo Giang Miên, bước đi rất chậm. Bước chân của cô bé ngày càng vững vàng hơn. Trong tay con bé nắm chặt một cành mai. Giang Nhiên cúi xuống hướng dẫn, giúp bé con đặt hoa trước mộ.
Sau đó, anh ngồi xuống, dịu dàng nói: “Miên Miên, đây là mẹ con.”
Đó là từ đầu tiên mà con bé học được. Giang Miên còn nhỏ, chưa hiểu tại sao mẹ mình lại chỉ có thể xuất hiện trong một bức ảnh.
Nhưng con bé vẫn ngơ ngác gọi: “Mẹ.”
Tôi khẽ bật cười, viền mắt nóng lên.
Giang Nhiên mỉm cười, nhẹ nhàng xoa đầu con bé.
“Tuyết rơi rồi.”
Tôi chậm rãi ngẩng đầu, những bông tuyết từ xa rơi xuống, tan trong mắt tôi lạnh buốt.
Anh nói với con: “Mẹ con nói mẹ nghe thấy rồi. Đây là món quà mẹ dành cho con đấy.”
Giang Miên dang hai tay, cười rạng rỡ.
“Mẹ.”
Nước mắt tôi rơi không ngừng, lau thế nào cũng không hết.
Tôi cúi xuống, đặt một nụ hôn lên trán con.
“Mẹ ở đây.”
27.
Năm thứ ba sau khi tôi mất.
Năm nay, Giang Miên bắt đầu đi mẫu giáo. Con bé rất thông minh, nhận biết được rất nhiều chữ cái, có thể tự mình đọc những cuốn truyện tôi từng mua. Giang Nhiên cũng chưa bao giờ né tránh việc nói về cái c.h.ế.t trước mặt con bé.
"Cái c.h.ế.t không phải là điểm kết thúc, lãng quên mới là kết thúc."
Vậy nên Giang Miên hiểu rằng người mẹ chưa từng gặp mặt của mình sẽ không bao giờ quay trở lại.
Con bé ba tuổi rưỡi, nhưng so với những đứa trẻ cùng trang lứa, dường như trưởng thành hơn rất nhiều. Con thích sự yên tĩnh, thích vẽ tranh, có thể ngồi ngẩn người nhìn một con vật cả ngày trời.
Giang Nhiên đã từng dò hỏi bác sĩ tâm lý.
Họ nói rằng đây không phải là bệnh, chỉ là tính cách bẩm sinh của con bé mà thôi.
Buổi học thủ công đầu tiên ở trường mẫu giáo, cô giáo dạy các bé làm đồng hồ bỏ túi. Chiếc đồng hồ có sẵn, các bé chỉ cần trang trí và đặt vào đó tấm ảnh mình yêu thích nhất.
Những đứa trẻ ríu rít tranh luận, có bé muốn đặt ảnh của mình, có bé chọn ảnh thú cưng, cũng có bé chọn ảnh chụp chung với gia đình. Khi cô giáo đi kiểm tra, chỉ có đồng hồ của Giang Miên là vẫn còn nguyên vẹn, không thay đổi gì.
Cô giáo ngồi xuống hỏi, bé trai bên cạnh thay con bé trả lời: "Cô ơi, Giang Miên không có mẹ."
"Mẹ con nói, chắc bạn ấy là do bố nhặt về đấy."
Từ khi khai giảng đến giờ, chỉ có bố hoặc bảo mẫu của Giang Miên đến đón. Ngay cả những buổi hoạt động yêu cầu cả bố lẫn mẹ tham gia, cũng chỉ có bố con bé xuất hiện. Vậy nên, lũ trẻ đều nghĩ rằng Giang Miên bị mẹ bỏ rơi.
Giang Miên cầm đồ nghề ném thẳng vào mặt cậu bé kia.
"Cậu nói bậy!"
Cậu bé tức giận đẩy ngã con bé xuống đất.
"Mẹ cậu không cần cậu nữa! Đồ đáng thương!"
Giang Miên nước mắt lưng tròng, nhưng cắn môi không dám khóc thành tiếng.
Giang Nhiên đi công tác nước ngoài, điện thoại không gọi được. Bố mẹ chồng cũng đang đi du lịch. Người đến đón con bé là bà Trần.
Khoảnh khắc nhìn thấy bà ấy, tôi bất giác khựng lại, không dám tin vào mắt mình. Bà ấy đã cạo trọc đầu. Bên dưới lớp áo khoác là bộ đồ bệnh nhân xanh trắng kẻ sọc. Trên người vẫn còn mùi nước khử trùng của bệnh viện.
Bà ấy nhìn vết xước trên mặt Giang Miên, nhưng không nói gì. Phụ huynh của cậu bé kia vẫn đang không ngừng phẫn nộ:
"Tất cả là do con bé này! Tay nó mạnh thật đấy, con trai tôi bị đánh thành ra thế này!"
"Đúng là con không cha không mẹ, gia giáo cũng vứt hết cho chó ăn rồi!"
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/gap-lai-em-gap-lai-anh/10.html.]
Cậu bé kia khóc đến mức mặt mày lem luốc, thoạt nhìn quả thực rất thảm. Cánh tay bó bột của nó là do bị Giang Miên đập trúng, con bé cầm khối gỗ ném qua, nhắm vô cùng chuẩn xác.
Bà Trần chưa bao giờ thua trong chuyện cãi vã.
Bà bật cười chế giễu: "Ngay cả một bé gái cũng không đánh lại, đúng là vô dụng. Tôi khuyên nhà cô nên đi xét nghiệm gen đi."
"Còn nữa, đối với chó thì có thể có giáo dưỡng gì được đây?"
"Một người có thể dạy con trai thành như vậy mà lại đứng đây nói giáo dưỡng với tôi? Triệu phu nhân thực sự khiến người ta bội phục đấy."
Người phụ nữ kia bị nói đến mức đỏ bừng mặt, không còn cách nào khác bèn giở trò hăm dọa, tuyên bố sẽ kiện ra tòa, còn muốn nhà trường đuổi học Giang Miên.
Từ trước đến nay, trường mẫu giáo vẫn luôn giấu kín thân phận của Giang Miên theo yêu cầu của Giang Nhiên. Anh muốn con bé được sống một cách đơn giản và thuần khiết nhất.
Nhưng đôi khi, trên đời luôn có những kẻ vô liêm sỉ đến mức buộc người khác phải dùng đến quyền lực để giải quyết vấn đề.
Bà Trần đưa Giang Miên về nhà.
Có vẻ như mấy năm qua, Giang Nhiên đã thường xuyên dẫn con bé đến đây. Căn phòng trước đây của tôi giờ đã trở thành phòng của Giang Miên. Chăn ga đều mới, trên đầu giường chất đầy đồ chơi.
Tôi nhìn bà Trần cẩn thận lấy hộp y tế ra, nhẹ nhàng bôi thuốc cho con bé.
"Đau không?"
Con bé lắc đầu. Từ lúc đánh nhau đến giờ, ngoài việc rơi nước mắt lúc nãy, con bé luôn rất bình tĩnh.
"Bà ngoại."
"Ừ?"
"Bà kể cho con nghe về mẹ một chút có được không?"
Động tác bôi thuốc khựng lại trong chốc lát. Bà Trần nhìn cô bé, chậm rãi nói: “Được.”
Tôi ngồi trên sô pha, nghe bà kể chuyện xưa.
"Mẹ con chẳng giống bà chút nào."
“Xinh đẹp, dịu dàng, ngây thơ."
"Bà không thích mẹ con như thế."
Giang Miên thắc mắc:
"Vì sao ạ?"
Bà Trần im lặng rất lâu, ánh mắt lấp lánh những cảm xúc phức tạp.
"Bởi vì có quá nhiều kẻ xấu."
"Chúng thích những cô gái xinh đẹp và sẽ làm chuyện xấu."
Năm mười tám tuổi, tôi chưa từng để tóc dài. Lúc nào cũng để kiểu đầu ngắn như con trai, khiến người ta không đoán được giới tính. Tôi đã từng cãi nhau với bà, mắng bà cổ hủ, trọng nam khinh nữ.
Bà Trần chẳng bao giờ để tâm, chỉ lạnh lùng cầm kéo cắt nát chiếc váy mới mua của tôi. Sau đó, bà ta ném cho tôi số tiền lấy được từ bạn trai mới, bảo tôi đi mua lại, nhưng không được mua váy.
Tôi chưa từng gặp những người đàn ông của bà ấy, vì bà chưa bao giờ đưa họ về nhà. Chỉ thỉnh thoảng nghe những người hàng xóm lắm chuyện xì xào rằng bà ấy thay đổi bạn trai như thay áo, nhưng trông ai cũng na ná nhau.
Bà Trần chẳng buồn phủ nhận những lời đồn đó. Những thói hư của tôi đều học từ bà ấy. Hút thuốc, đánh nhau, chỉ có duy nhất một điều không thể làm, đó là trốn học.
Bà ấy nói, đó là giới hạn.
Cách dạy con của bà ấy rất kỳ lạ. Không giống một người mẹ.
Mọi người đều nói, bởi vì tôi là con gái nên bà ấy mới buông thả như vậy, chưa bao giờ coi tôi như con người mà nuôi dạy. Những lời này, bà Trần cũng chẳng bao giờ phủ nhận.
Trên người bà ấy có rất nhiều hình xăm, chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Có một lần, bà xăm một hình lớn trên lưng, không tự bôi thuốc được nên gọi tôi qua giúp. Bà kéo áo lên, quay lưng về phía tôi. Tôi nhúng tăm bông vào thuốc, đeo kính vào nhìn thật kỹ.
Ngay bên mép hình xăm mới ấy, có một vết sẹo chưa được che lấp.
Là sẹo bỏng.
Với kích cỡ đó, tôi chỉ có thể nghĩ đến một thứ, chính là đầu thuốc lá.
Và vị trí đó... chính bà ấy cũng không thể với tới được.