Một buổi chiều tháng Năm, cô chủ nhiệm bước vào lớp, trên tay cầm tờ báo. Hồ Mục Viễn ngồi hàng thứ hai, dễ dàng nhận ra viền mắt cô giáo Diêu hoe đỏ.
*Động đất Tứ Xuyên, hay còn gọi là Tứ Xuyên đại địa chấn, xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào lúc 14h28′ ngày 12/5/2008, khiến hơn 250.000 người thiệt mạng
Cô bảo cả lớp giữ im lặng rồi đọc cho mọi người nghe bài báo trên tay. Nhưng tiêu đề còn chưa đọc hết, giọng cô đã nghẹn lại.
Hồ Mục Viễn thấy lòng trĩu xuống, khóe mắt cũng nóng bừng. Cô nghĩ đến khu tập thể công nhân, mỗi tầng đều có người Tứ Xuyên sinh sống. Không biết gia đình họ ra sao rồi, có còn bình an không.
Sau trận động đất, chiếc tivi ở nhà cô gần như không rời khỏi kênh thời sự. Ai ai cũng chỉ chăm chăm dõi theo từng diễn biến mới nhất về công tác cứu hộ.
Ngày tháng cứ thế trôi. Đến tháng Sáu, chuyện tốt nghiệp trở thành ưu tiên hàng đầu của cả lớp.
Một trào lưu bắt đầu rộ lên, viết lưu bút cho nhau.
Nhưng ngoài một số ít bạn có thành tích quá kém, phần lớn mọi người chỉ đơn thuần chuyển sang một ngôi trường khác, có khi vẫn gặp nhau thường xuyên. Vì thế, chẳng ai quá bịn rịn.
Hồ Mục Viễn không mua sổ lưu bút. Tiền tiết kiệm của cô chỉ vừa đủ mua một món quà nhỏ tặng cô Vương.
Trường Nhất Trung của quận chia lớp mới một cách ngẫu nhiên. Lớp 6(7) của Hồ Mục Viễn chẳng có lấy một người quen.
Ngược lại, ngay bên kia bức tường, lớp 6(8) lại có không ít gương mặt thân thuộc. Cô có thể đếm sơ sơ bảy người, trong đó có cả Chương Trì.
Giáo viên dạy Ngữ Văn mới họ Ngô, vóc dáng hơi đầy đặn, tuổi tác cũng xấp xỉ cô Vương.
Hồ Mục Viễn vốn có cảm tình với giáo viên dạy Văn. Tuần học đầu tiên, cô giáo Ngô cũng thực sự hiền hòa, giọng nói ấm áp, thái độ thân thiện.
Chiều thứ Sáu, trước khi tan học, cô giáo cầm danh sách gọi mười mấy học sinh, dặn họ sáng thứ Bảy có mặt trước cổng trường lúc tám giờ. Hồ Mục Viễn cũng nằm trong số đó.
Hôm sau, cô đến trường từ sớm. Cùng mười ba bạn nam nữ khác, cô được cô giáo Ngô dẫn về nhà riêng gần đó.
Trong nhà có một phòng học nhỏ với bàn ghế ngay ngắn.
Cô Ngô bảo mọi người chọn chỗ ngồi, phát cho mỗi người một cuốn vở và một cây bút, rồi ra đề bài tập làm văn.
Hồ Mục Viễn vốn nhỏ con, tự giác chọn hàng ghế thứ hai, ngoan ngoãn viết bài.
Cô giáo Ngô ngồi trên chiếc ghế cao, tại chỗ nhận xét từng bài một. Đến khi hết lượt, cô mới từ tốn vào đề:
“So với học sinh lớp Sáu nói chung, các em viết khá ổn. Nhưng cách dùng từ, câu cú vẫn còn đơn giản, cách triển khai ý cũng chưa sâu sắc, cần cải thiện nhiều. Nếu được, tốt nhất là theo cô bổ sung thêm chút kiến thức. Cô sẽ giúp các em nâng cao kỹ năng viết một cách bài bản.”
Lúc này Hồ Mục Viễn mới hiểu ra.
Cô vội vàng nói ngay: “Em không học thêm ạ.”
Cô Ngô bị ngắt lời nhưng vẫn giữ nụ cười hiền hậu:
“Học hay không cũng không sao. Cô thấy các em có năng khiếu môn Văn, muốn giúp các em phát huy tốt hơn nên mới dành thời gian hướng dẫn thêm. Các em cứ về nhà, thử nói chuyện với bố mẹ trước. Cô tin rằng phụ huynh nào cũng mong con mình ngày càng tiến bộ.”
Hồ Mục Viễn chẳng cần hỏi cũng biết mình không thể học thêm. Từ nhỏ đến lớn, các lớp phụ đạo Văn – Toán – Anh, rồi những khóa học năng khiếu, tất cả những gì phải trả phí, đều chưa từng có tên cô.
Cô sợ cô giáo Ngô hiểu lầm mình sẽ quay lại, bèn nghiêm túc lặp lại lần nữa:
“Cô ơi, em thật sự không học đâu ạ.”
“Vậy à.” Cô Ngô khẽ gật đầu, không nói gì thêm.
Khi Hồ Mục Viễn nhận ra mình bị cô Ngô để ý một cách khác thường, thực ra cô đã chịu cảnh này được một thời gian.
Cô Ngô không làm gì quá lộ liễu. Cô chỉ vô tình hay cố ý, đặc biệt thích gọi tên Hồ Mục Viễn.
Nếu cô đọc bài mà vấp vài chỗ, cô Ngô nói cô không nghiêm túc học hành, không chịu chuẩn bị bài trước. Nếu cô đọc trôi chảy, cô Ngô lại bảo cô như một khúc gỗ, đọc mà chẳng có chút cảm xúc. Đến phần học văn cổ, cô Ngô luôn gọi cô lên dịch những câu không có trong phần chú thích. Nếu không trả lời được, cô sẽ chê cô ngốc, đầu óc cứng nhắc, rồi cười đùa cùng cả lớp.
Lúc đầu, một hai lần, Hồ Mục Viễn còn tự kiểm điểm, nghĩ có khi nào do mình chưa cố gắng đủ không. Nhưng dần dần, tiết Văn nào cô cũng bị gọi lên bảng, bị trách mắng, bị phạt đứng. Trong lòng cô bắt đầu thấp thoáng cảm giác kỳ lạ. Lẽ nào… không đến mức ấy chứ?
Giữa tháng Mười, Nhất Trung của quận tổ chức một cuộc thi sáng tác văn học. Cô Ngô chọn năm học sinh tham gia. Dĩ nhiên, không có tên Hồ Mục Viễn.
Nhưng sáng hôm sau, khi vào lớp, cô Ngô cố ý nhắc đến cô:
“Không ngờ em cũng nổi tiếng ghê đấy, Hồ Mục Viễn. Bên lớp bên có nhiều người hỏi em có đi thi không đấy.”
Cô bật cười như thể thấy chuyện này thật thú vị, rồi tiếp:
“Nhưng mà đương nhiên em không đi được rồi. Văn của em bây giờ còn chẳng ra sao.”
Hồ Mục Viễn cúi đầu, nhắm mắt, cố gắng loại bỏ giọng nói của cô Ngô ra khỏi thế giới của mình.
Dạo này, trong giờ Văn, cô thường xuyên thả hồn đi nơi khác.
Tan học, lớp trưởng môn Văn – Trần Tĩnh Di quay xuống, nói với cô:
“Thực ra, tớ biết cậu từ lâu rồi.”
“Vậy à?” Hồ Mục Viễn hỏi, “Từ bao giờ vậy?”
Trần Tĩnh Di là cô gái nổi bật nhất lớp. Xinh đẹp, học giỏi, còn biết cả cầm kỳ thi họa. Đợt hội diễn văn nghệ tháng Mười của trường, cô ấy đại diện lớp hát hợp xướng, sau đó còn múa đơn. Buổi diễn kết thúc, không ít nam sinh lớp khác đi vòng vèo để nhìn cô, có người còn viết thư gửi. Hạ Hạo Nhiên, bạn thân của Chương Trì, cũng là một trong số đó.
Trần Tĩnh Di không trả lời câu hỏi của cô, chỉ mỉm cười rồi quay đầu đi.
Chiều hôm thi xong, Hồ Mục Viễn vô tình chạm mặt Chương Trì trên hành lang.
Cậu đi thẳng đến trước mặt cô, hỏi:
“Sao cậu không đi thi?”
Hồ Mục Viễn đáp:
“Vì tớ viết không giỏi.”
Chương Trì nhíu mày:
“Ai nói thế?”
Cô khẽ cười, giọng nhẹ bẫng:
“Không hay là không hay thôi.”
Dưới ngòi bút của cô Ngô, điểm số bài văn của Hồ Mục Viễn mãi mãi chỉ lẩn quẩn ở mức 75. Không chỉ có văn, tất cả các bài tập môn ngữ văn của cô cũng đều giữ một mức điểm thấp chưa từng có. Hồ Mục Viễn bắt đầu cảm thấy chán ghét môn học này.
Một trưa nọ, cô bị gọi lên văn phòng giáo viên.
Trên đường đi, cô đã chuẩn bị tinh thần sẽ lại bị cô Ngô trách mắng. Trong lòng khó chịu vô cùng, thậm chí cô còn tự trấn an bản thân, cố gắng luyện cho mình một vỏ bọc để chống lại những lời đả kích sắp tới.
Nhưng khi bước vào, cô ngỡ ngàng khi thấy thầy giáo cũ của mình—cô Vương!
Cô đang ngồi nghiêng người, trò chuyện vui vẻ với cô Ngô.
Hồ Mục Viễn vừa mừng vừa lo, chỉ cảm thấy bầu trời trên đầu như sập xuống. Cô thầm nghĩ: Cô Ngô nhất định đã kể với cô vô số chuyện xấu về mình. Cô Vương sẽ không còn thích mình nữa.
Nhưng ngay lúc ấy, cô Vương đã thấy cô, gương mặt tươi cười, giọng nói đầy thân thiết:
“Hồ Mục Viễn! Lại đây nào!”
Cô chần chừ bước đến, cô giáo kéo cô ngồi xuống bên cạnh, rồi đặt vào tay cô một phong bao lì xì.
“Ngoan lắm! Trong này có 50 đồng. Học kỳ trước em có tham gia một cuộc thi và đạt giải, giờ trường mới phát tiền thưởng. Cô liền mang ngay cho em! Thế nào, có vui không?”
Hồ Mục Viễn sững người. Cô hoàn toàn không nhớ cô Vương đang nói đến cuộc thi nào, cũng chưa bao giờ nghĩ rằng số tiền thưởng lại nhiều đến vậy—50 đồng! Cô có nhặt chai lọ suốt cả mùa hè cũng không kiếm được từng ấy tiền.
“Cảm ơn cô Vương!”
Cô Vương quay sang cười với cô Ngô, giọng đầy tự hào:
“Thế nào? Học trò của tôi không tệ chứ? Nó rất giỏi đấy!”
Hồ Mục Viễn thấy sống mũi cay cay, nước mắt chỉ chực trào ra. Cô cảm thấy tủi thân quá.
Cô Ngô chỉ cười nhạt, như không như có gật đầu:
“Cũng… tạm được.”
Cô Vương lại nhẹ nhàng vỗ vai cô:
“Cố gắng lên nhé! Hồ Mục Viễn, cô mong sẽ luôn nghe được những tin tốt về em.”
Cô gật đầu thật mạnh, nuốt nước mắt vào trong.
Mình thật là ngốc. Cô nghĩ. Tại sao lại vì một người như cô Ngô mà lơ là học tập? Cô Ngô đâu có quan tâm đến mình, vậy tại sao mình lại để ý đến một người chỉ mong mình học kém?
Cô phải chăm chỉ hơn nữa, để không phụ lòng cô Vương.
Có lẽ cuộc đời là vậy, mất đi điều này thì sẽ có điều khác bù lại.
Những năm trước, cô Vương quá tốt với cô, nên năm nay, cô phải chịu sự khắc nghiệt từ cô Ngô.
Bố không thương cô, nhưng ông trời lại cho cô gặp được anh Đàm Nhất Chu.
Nghĩ đến đây, cô lại cảm thấy hơi buồn. Từ khi đi thực tập ở bệnh viện, anh Nhất Chu không còn được nghỉ dài ngày nữa, cô đã lâu lắm rồi chưa gặp anh ấy.
Về đến nhà, cô liền đưa 50 đồng cho mẹ.
Trương Thiến nhận tiền mà vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, hiếm hoi lắm mới khen cô một câu.
Hồ Mục Viễn ngồi xuống bàn học, cầm bút viết bài, rồi lại hiếm hoi thốt ra một câu đầy kiêu hãnh:
“Sau này, con nhất định sẽ giành được nhiều tiền thưởng hơn nữa.”
Lời của editor:
Ây da, tác giả viết đúng đủ loại người luôn á. Anh Nhất Chu đi thực tập rồi, ảnh chắc khoảng từ sinh viên năm tư trở lên, nhưng mà khả năng cao là sinh viên năm 6 sắp ra trường rồi, vậy con số khoảng cách tuổi tác lên tới 12 tuổi, ây dô nhưng nói đi nói lại ảnh chính là liều thuốc chữa lành trong những ngày hè đầy vết xước của Mục Viễn. Rất thích cp này nhưng nhìn đi nhìn lại Chương Trì cũng làm những điều thầm lặng cho ẻm mà, cô Vương biết chuyện ẻm bị cô giáo cấp hai bắt nạt chắc có liên quan tới Chương Trì đó, ở tuổi này mà suy nghĩ thấu đáo vậy thì Chương Trì cũng là một chàng trai đáng tin cậy để dựa vào đó chứ. Nếu ví Đàm Nhất Chu là anh trăng sáng không thể với tới, thì Chương Trì chính là nam chính, một câu thôi cãi không nổi :))))