Mùa Hạ Trôi Xa

Chương 4



Hồ Đông Thành tan làm về, chưa kịp thay đồ đã gọi ngay Hồ Mục Viễn đến trước mặt.

“Quỳ xuống.”

Cô bé còn chưa hiểu chuyện gì, chỉ biết sợ hãi nhìn chiếc móc áo trên tay cha, tim đánh thịch một cái, rồi ngoan ngoãn quỳ xuống bên chân ông.

“Vén quần lên.”

Cô làm theo.

“Con có đi với Lưu Tử Quân ra bờ ao không?”

Giọng cha không cao, nhưng lọt vào tai cô lại nặng tựa đá tảng.

Hồ Mục Viễn lí nhí đáp: “Con… con không có bơi.”

“Chát!”

Một vệt đỏ in hằn trên đôi chân nhỏ.

“Cha hỏi con có đi không?”

Cô mím chặt môi, không dám đáp.

“Câm rồi hả?”

“Chát! Chát! Chát!”

“Không nói chuyện thì tao đánh cho nặng hơn!”

Nước mắt cô rưng rưng, giọng lạc đi vì sợ: “Con có đi… nhưng con—”

“Không được khóc!” Hồ Đông Thành gằn giọng. “Hồ Mục Viễn, bây giờ mày giỏi rồi, còn dám theo người ta ra ao bơi à? Lỡ chết đuối ngoài đó, mày nghĩ ai sẽ đi nhặt xác cho mày?”

Vừa mắng, ông vừa quất xuống từng roi.

Cô bé vừa khóc vừa cầu xin: “Con không có bơi… Con thật sự không có bơi… Con chỉ đứng bên cạnh chơi thôi…”

“Còn cãi à? Ai cho mày đi? Ở nhà không yên thân hay sao mà còn ra ngoài rong chơi?”

Bên cạnh, Trương Thiến vỗ tay hưởng ứng: “Đánh hay lắm! Không ra thể thống gì! Ai đời còn dám lén đi nghịch nước! Con có biết mỗi năm có bao nhiêu đứa trẻ chết đuối không? Chỉ có ăn đòn mới nhớ đời!”

Sáng hôm sau, vẫn chưa yên tâm, Trương Thiến dứt khoát dắt cô theo đến nhà máy.

Trong nhà máy cũng có vài đứa trẻ bị cha mẹ mang theo như vậy, tất cả đều bị nhét vào góc cầu thang, mỗi đứa được phát một chiếc ghế nhựa làm bàn, thêm một cái ghế con để ngồi.

Hồ Mục Viễn viết hết bài tập hè của ngày hôm đó, luyện xong một lượt chữ mẫu, rồi lại mở nhật ký ra viết những dòng chẳng khác hôm qua là mấy. Hồ Đông Thành đã giao nhiệm vụ từ đầu kỳ nghỉ, mỗi ngày viết một bài nhật ký, ông sẽ kiểm tra.

Làm hết mọi thứ, cô không còn việc gì để làm nữa, bèn đứng trước xưởng của cha mẹ ngó nghiêng. Bên trong có hàng trăm chiếc máy tiện đang đồng loạt cắt kim loại, tiếng máy chạy vang vọng cả không gian, tiếng xẹt xẹt khi mũi khoan tiếp xúc với đồng càng nghe càng chói tai. Mạt đồng bắn tung tóe, phủ thành một lớp mỏng trên mặt đất. Hồ Mục Viễn không dám đi vào, sợ bị cha thấy.

Thế là cô men theo chân tường, chậm rãi đi sang xưởng bên cạnh.

Ở đó có hai cái chảo khổng lồ, bên trong cuồn cuộn nước đồng nóng chảy. Công nhân đứng cạnh chảo, tay cầm chiếc vá dài khuấy đều, rồi múc từng gàu, đổ vào hàng khuôn xếp sẵn.

Mỗi dãy khuôn có hình dạng khác nhau. Hồ Mục Viễn ngồi xổm một bên xem suốt nửa tiếng, không ai để ý đến cô, cho đến khi một bàn tay đặt lên đầu cô.

“Suốt ngày lăng xăng?”

Hồ Đông Thành xách cô lên, kéo đi. “Đi ăn cơm.”

Đến giờ tan làm, cô ngồi sau yên xe đạp của mẹ, lao vút ra khỏi cổng nhà máy.

Thấy có công nhân đang bị chặn lại kiểm tra túi xách, cô tò mò hỏi mẹ: “Sao họ lại bị khám đồ vậy ạ?”

Trương Thiến nhếch môi: “Ông chủ đa nghi ấy mà, cứ sợ có người lén giấu đồng vụn mang ra ngoài.”

“Ồ…” Cô chậm rãi gật đầu.

Cô biết đồng vụn có thể bán lấy tiền. Lưu Tử Quân vẫn hay dẫn đám con trai trong xóm đi lùng sục phế liệu bên vệ đường, có lúc còn mò vào chỗ xả thải của nhà máy, đào đất bùn tìm miếng đồng nhỏ.

Lưu Tử Quân có nhiều cách để kiếm tiền lẻ, như lấy vòng cao su từ mấy xưởng nhỏ về gia công, hay đi nhặt vỏ chai nhựa. Để có chút tiền tiêu vặt, Hồ Mục Viễn cũng từng theo chân cậu ta nhặt không ít chai lọ. Hồ Đông Thành và Trương Thiến không cản, thậm chí còn khuyến khích, nghĩ rằng con bé nhặt được mười mấy đồng mua đồ dùng học tập cũng tốt.

Chai nước khoáng Wahaha bán được một hào, chai nước cam chỉ năm xu, vỏ lon nhôm có chữ “Nhôm” thì một hào, còn loại có chữ “Sắt” chỉ năm xu. Hồ Mục Viễn rất nhanh đã thuộc làu làu mấy thứ này.

Mùa hè là thời điểm bội thu của đám trẻ chuyên nhặt chai. Sân bóng rổ bên cạnh khu tập thể là chiến trường không ai muốn nhường ai. Chiều xuống, thế nào cũng có vài nhóm thanh niên đạp xe đến chơi bóng, mang theo cả một thùng nước khoáng Wahaha. Mỗi chai rỗng vừa rời tay chưa đầy ba giây, lập tức có đứa nhanh tay chộp mất.

Hồ Mục Viễn nhỏ con, chân ngắn tay ngắn, cứ đợi nhìn thấy rồi mới chạy thì chẳng bao giờ tranh được. Thế là nó nghĩ ra cách “bám đuôi”, cứ thấy ai sắp uống hết nước là đi theo người đó.

Cách này rất hiệu quả. Nhặt được hai chai một cách dễ dàng, Hồ Mục Viễn hào hứng bước vào cuộc săn tiếp theo. Cô chăm chú dõi theo cậu con trai mặc áo số “3”, người đi đâu, cô bé theo đấy. Anh ngồi xuống nghỉ, nó cũng ngồi xổm bên cạnh.

Có lẽ ánh mắt nó quá tha thiết, làm người ta phải bật cười.

“Nhìn anh làm gì vậy? “- Cậu áo số “3” trêu.

Hồ Mục Viễn không ngờ anh ấy sẽ nói chuyện với mình. Cô biết anh ấy thừa hiểu nó muốn gì, chỉ là cố tình trêu thôi. Nghĩ một lúc, đánh bạo hỏi:

“Anh uống xong rồi thì cho em xin chai nhựa được không?”

“Được chứ.” – Anh dốc cạn nước, lắc lắc cái chai, cười híp mắt. “Nhưng mà… gọi một tiếng “anh” đi, rồi anh đưa cho.”

Bọn con trai bên cạnh phá lên cười.

“Gọi đi! Gọi rồi tụi này cũng cho luôn.”

Mặt Hồ Mục Viễn đỏ bừng, bối rối không biết làm sao.

“Thôi nào, Nhất Chu, đừng trêu con bé nữa.”

Nhóm con trai mở túi ni lông của cô, nhét vào cả đống chai.

“Cảm ơn… anh… ” Con bé lí nhí.

“Ừ, khỏi khách sáo!” Đàm Nhất Chu xoa xoa mái tóc tổ quạ của cô.

Mới 8 tuổi, Hồ Mục Viễn đã quen với cái đầu tổ quạ do chính tay Hồ Đông Thành “sáng tạo”. Nhỏ xíu, gầy còm, trông chẳng khác gì đứa ăn xin.

Tối hôm ấy, con bé ăn xin đó lại là người giàu nhất xóm.

Cô bé nhớ kĩ “anh áo số 3”, tối nào cũng chạy ra sân bóng, nhưng anh không phải lúc nào cũng có mặt. Dù vậy, hình như anh cũng nhớ nó, vì hễ thấy cô, anh sẽ ngoắc tay, cho cô trông chừng thùng nước, rồi cùng đồng đội ném chai rỗng vào như một trò chơi.

Những lần như thế diễn ra thường xuyên, mấy đứa trẻ khác trong khu tập thể bắt đầu có ý kiến. Lưu Tử Quân đứng ra dẹp loạn, phán một câu gọn lỏn: “Chuyện này ai giỏi thì người đó hưởng.”

Rồi một năm học mới lại đến. Hồ Mục Viễn lên lớp ba, bạn cùng lớp thay đổi gần hết, thời khóa biểu xuất hiện thêm hai môn mới, trong sách giáo khoa còn có mấy hộp băng cassette.

Nhà cô bé lại dọn về căn phòng lụp xụp ở tầng hai.

Tan làm, Hồ Đông Thành hí hửng mang về một cái máy phát. Ông bỏ băng cassette tiếng Anh vào, tua thử một chút, từ cái loa nhỏ li ti trên máy vang lên một đoạn nhạc dạo nhẹ nhàng, rồi đến giọng một cô gái trong trẻo, rõ ràng. Từ đó, bài tập hằng ngày của Hồ Mục Viễn lại có thêm một nhiệm vụ mới: đọc tiếng Anh.

Giáo viên chủ nhiệm mới của lớp là thầy Cát, một người đàn ông cao ráo, còn khá trẻ. Thầy hướng dẫn cả lớp trang trí phòng học, vẽ báo tường, rồi khoe rằng mấy bức tranh thủy mặc và câu chữ hai bên tường đều là do thầy viết. Đám học trò nhao nhao trầm trồ: “Oa!” rồi đồng thanh đòi thầy vẽ thêm một bức nữa. Thầy Cát hứ một tiếng, cầm viên phấn nguệch ngoạc vài nét, lập tức trên bảng hiện ra một người tí hon sống động như thật.

Thầy giảng bài cũng rất có duyên. Đang nói về bài văn, thầy có thể bất ngờ kể chuyện, từ phong tục tập quán của nơi nào đó đến các điển tích lịch sử. Học trò có cắt ngang cũng không bị mắng. Hồ Mục Viễn rất thích thầy Cát, nhưng hình như thầy không thích cô bé lắm.

Đôi khi, thầy bảo cô bé buộc tóc lại, đừng để bù xù thế này. Có lúc đi ngang bàn, thầy nhìn quyển sách bìa sờn của nó rồi chậc lưỡi.

Nhưng Hồ Mục Viễn không nhận ra mình lạc lõng trong lớp.

Cô bé chẳng có khái niệm làm đẹp. Đứng trước gương lâu một chút thôi cũng bị mắng, huống gì là để ý đến vẻ ngoài. Tóc dài ra, để tiết kiệm tiền và thời gian, Hồ Đông Thành lại lôi kéo cắt phăng, lởm chởm như một cây nấm. Nếu tóc cô bé mỏng và mềm thì có lẽ cũng đỡ, đằng này sợi nào sợi nấy vừa cứng vừa dày, chẳng bao giờ chịu nằm ngay ngắn, sáng ngủ dậy lúc nào cũng dựng đứng lên, nhìn mà phát ngán.

Quần áo của cô bé cũng chẳng có nhiều, dù là mùa nào đi nữa, cũng chỉ vài ba bộ luân phiên mặc lại.

Mà những bạn gái khác trong lớp, đứa nào cũng gọn gàng sạch sẽ. Người thì tóc búp bê ngoan ngoãn, người thì tết bím gọn gàng, có đứa còn buộc cao trông rất lanh lợi. Váy áo, giày da thì ngày nào cũng đổi, chẳng có bộ nào trùng nhau.