Hầy, thi khoa học… Nghĩ tới mà Hồ Mục Viễn đã thấy nhức đầu. Nó vò đầu suy nghĩ mấy ngày trời mà vẫn chẳng biết làm cái gì cho ra hồn.
Sát ngày nộp bài, nó lục lọi trong nhà, vớ được một cái khớp nhựa cũ, nhét vào đó một mảnh gương vỡ nhỏ. Lợi dụng lúc đông người, chẳng ai để ý, cô bé lén lút đặt lên bàn nộp bài.
Ai dè Chương Trì lại nhân lúc thầy Cát đi vắng, lén lấy “tác phẩm” của cô từ trên bục giảng xuống.
“Ê ê—” Hồ Mục Viễn cuống lên.
“Để tớ xem nào.” Chương Trì cầm cái khớp nhựa lên, xoay trái xoay phải, ngắm nghía đủ kiểu rồi hỏi: “Cái này là gì đấy?”
“Gương cong.” Hồ Mục Viễn thản nhiên đáp.
“Dùng để làm gì?”
“Không làm gì cả.” Cô bé nói tỉnh queo, rồi chỉ vào đầu ngắn hơn của cái khớp, “Cậu nhìn này, từ đây có thể thấy mặt đất qua tấm gương mà chẳng cần cúi đầu.”
“Ohhh—” Chương Trì bật cười.
Hồ Mục Viễn bực mình: “Cười cái gì mà cười! Trả lại đây mau!”
Cô biết tác phẩm của mình nhìn chẳng ra làm sao, nhất là khi tới ngày trưng bày, bị xếp giữa một đống mô hình nhà cửa lộng lẫy, tàu thuyền ô tô hoành tráng, lại càng quê mùa thấy rõ.
Ai dè, với cái thứ đơn giản đó, Hồ Mục Viễn lại được giải ba!
Lớp cô chỉ có hai người đoạt giải trong cuộc thi lần này, một là cô, hai là Chương Trì với cái kính viễn vọng gấp và mô hình của một bạn nữa. Cô đã từng thử kính của Chương Trì, làm đẹp đẽ, tỉ mỉ đến mức sau này cô cứ nghĩ chắc ban giám khảo nhầm lẫn gì đó nên mới phát nhầm bằng khen cho mình.
Chưa bao lâu sau cuộc thi khoa học đã đến Tết Thiếu nhi mùng Một tháng Sáu cũng đến. Đây là dịp trọng đại nhất của trường Tiểu học Khu Một, cũng là ngày Hồ Mục Viễn thích nhất, chỉ sau Tuần lễ đọc sách.
Trước một ngày, cả trường tổ chức tổng vệ sinh. Dọn dẹp xong, mỗi lớp phải kê hơn chục cái bàn dài thành một gian hàng lớn để chuẩn bị cho hội chợ vào sáng hôm sau.
Hàng hóa bán trên bàn do học sinh tự nguyện mang tới, có thể là đồ cũ ở nhà không dùng đến, truyện tranh đã đọc, đồ chơi chán rồi, hoặc hoa quả rau củ lấy từ bếp. Không mang gì cũng chẳng sao, vì kiểu gì cũng có người “nhiệt tình” đem cả bao tải đồ đến trường.
Nếu bàn không đủ chỗ, học sinh có thể bày bán dọc hành lang hay bất kỳ góc sân nào.
Chuông vào lớp vừa vang lên, cả đám học sinh hò reo, lao ra như chim sổ lồng.
Ban đầu, người đứng quầy là những ai muốn tự bán đồ của mình, sau đó là mấy đứa đi dạo chán rồi muốn nghỉ chân, nhân sự xoay vòng liên tục. Khi đông thì chen chúc cả chục người, lúc vắng thì lèo tèo vài ba đứa bận tíu tít.
Những đứa gan dạ bắt đầu rao hàng:
“Lại đây, lại đây nào! Xe biến hình bản giới hạn đây, giá gốc chín trăm chín mươi tám, giờ chỉ còn chín đồng tám thôi!”
“Đào tươi đây! Vừa hái sáng nay, ngọt lịm giòn tan, năm hào một quả thôi nào!”
Hồ Mục Viễn cầm năm đồng bạc gom từ vỏ chai bán được, suy nghĩ mãi rồi quyết định mua một quả đào.
Vừa nhẩn nha gặm đào, nó vừa dạo hết quầy này đến quầy khác.
Càng về cuối, hàng trên bàn càng vơi, giá cả cũng tùy hứng hơn. Sợ ế, nhiều chỗ còn bán kiểu “mua một tặng ba bốn” đầy rẫy.
Cô thích nhiều thứ lắm, nhưng lại sợ không có chỗ cất, mang về bị cha mẹ phát hiện nên đành thôi. Cuối cùng, cô chỉ mua thêm một gói khoai tây chiên giá năm hào, giữ chặt số tiền còn lại rồi quay về lớp.
Hội chợ kết thúc, thầy Cát gom thùng tiền đầy ắp, đảm bảo với cả lớp rằng nhà trường sẽ quyên góp toàn bộ số tiền từ các gian hàng cho tổ chức từ thiện.
Sau cơm trưa và giờ ngủ trưa, học sinh háo hức bước vào phần trò chơi thử thách.
Học sinh lớp Bốn, lớp Năm được phân vào các lớp để tổ chức trò chơi nhỏ, có nơi gắp bi trong nước, có nơi chơi cờ caro, có chỗ bịt mắt vẽ tranh… Tùy thích chơi trò nào cũng được, chỉ cần vượt qua là có quà.
Không thắng cũng chẳng sao, vì đến giờ tan học, giáo viên chủ nhiệm sẽ mang vào lớp mấy hộp quà lớn, phát cho từng bạn, ai cũng có phần.
Hồ Mục Viễn có một ngày cực kỳ vui vẻ.
Về đến khu tập thể, cô háo hức kể lại mọi chuyện cho Lưu Tử Huỷ nghe.
Lưu Tử Huỷ nghe mà thích mê: “Trời ơi! Tớ cũng muốn học ở trường cậu quá đi mất!”
Hồ Mục Viễn: “Thì bảo mẹ cậu cho chuyển trường đi!”
“Mẹ tớ không đồng ý đâu.” Lưu Tử Quân xen vào, “Học ở Khu Một đắt lắm, bố mẹ chẳng nỡ đâu.”
Lưu Tử Huỷ thở dài: “Ừ ha…”
Thấy mấy bạn có vẻ buồn, Hồ Mục Viễn suy nghĩ một lát rồi than thở: “Không biết bố mẹ tớ hôm nay tan làm có vui vẻ không nữa. Hâm mộ hai cậu ghê, thích đi chơi lúc nào thì đi, đâu như tớ, hễ bố mẹ ở nhà là không được ra khỏi cửa.”
Lưu Tử Huỷ ngạc nhiên: “Làm bài xong rồi mà vẫn không được đi à?”
Hồ Mục Viễn bắt chước dáng vẻ mẹ mình: “Làm xong thì ôn bài! Ôn từ vựng tiếng Anh, ôn từ mới, ôn toán, không có việc gì làm nữa à? Ai là người đi học, con hay mẹ?”
Lưu Tử Huỷ bị cô nhóc chọc cười. Hồ Mục Viễn tiếp tục than thở:
“Ở nhà tớ, trẻ con chỉ nên làm hai việc: học bài và làm việc nhà. Cậu không biết chứ, mỗi ngày ăn cơm xong, tớ đều âm thầm cầu nguyện, mong có người lớn đến tìm bố tớ nói chuyện. Như vậy sẽ không ai chú ý đến tớ, tớ có thể lén chuồn ra ngoài chơi một lát. Mặc dù… về thế nào cũng bị mắng.”
“Cậu đúng là thảm thiệt.” Lưu Tử Huỷ thông cảm, “Thôi, mình coi ti vi một chút đi.”
“Không được. Tớ phải về nhóm bếp, đợi mai bố mẹ đi làm rồi tớ lại qua.”
“Ừ, vậy thôi.”
Chập tối, nhà nhà bận rộn nấu nướng. Giữa lúc ấy, Lưu Tử Huỷ chạy sang nhà Hồ Mục Viễn, hào hứng khoe bố cô mới mua một con rùa lớn, rủ cô sang xem.
Hồ Mục Viễn liếc nhìn sắc mặt cha mình. Thấy Hồ Đông Thành không nói gì, cô vội vàng chạy theo bạn.
Con rùa to cỡ quyển sách giáo khoa, được nuôi trong một cái thau nhựa. Hai đứa trẻ mỗi đứa ngồi một bên, dùng khớp ngón tay gõ nhẹ lên mai nó.
Bố Lưu đi ngang qua, cười đùa: “Cẩn thận nha, nó có độc đó!”
Hồ Mục Viễn tròn mắt: “Rùa ăn gì vậy ạ?”
“Ăn cỏ, cá, tôm gì cũng được.”
Cô nhìn con rùa một lát, rồi lén bốc một miếng thịt nhỏ từ thớt, định cho nó ăn. Ai ngờ ngón tay vừa đưa lại gần, rùa đã nhanh như chớp lao tới, cắn gọn miếng thịt, tiện thể “xén” luôn một mẩu thịt trên ngón cái cô.
Hồ Mục Viễn sững người, máu lập tức rỉ ra. Cô sợ đến mức không dám kêu, vội vàng lấy tay còn lại siết chặt ngón cái, sợ nọc độc lan ra.
Lưu Tử Huỷ vừa quay lại đã thấy Hồ Mục Viễn hớt hải rời đi.
Hồ Mục Viễn đứng bên cửa sổ, lặng lẽ chờ cái chết đến.
Cha đang tắm trong nhà vệ sinh, mẹ đang xào nấu trong bếp, không ai phát hiện cô bị thương. Cô cũng không dám nói, chỉ xé giấy ăn bọc chặt vết thương, cố cầm máu, đồng thời hồi tưởng lại quãng đời ngắn ngủi của mình.
Thế nhưng, cô cầm cự đến tận bữa tối, ăn xong rồi, vẫn chẳng thấy có gì khác thường. Cô bắt đầu nghi ngờ mình bị lừa.
Cô rụt rè hỏi mẹ: “Mẹ ơi, bị rùa cắn có trúng độc không ạ?”
Hồ Đông Thành liếc nhìn tay cô: “Bị cắn à? Đáng đời chửa. Cho chừa cái tật nghịch dại.”
Trương Thiến kéo tay cô lại xem: “Không sao, vài ngày là lành thôi. Trong ngăn kéo có băng cá nhân đó, tự đi dán vào đi.”
“Dạ…” Hồ Mục Viễn cuối cùng cũng nhẹ nhõm hẳn.