Lớp lại thay giáo viên mới.
Cô giáo dạy toán kiêm chủ nhiệm họ Diêu, dáng người cao và gầy, khoảng ba mươi tuổi. Còn cô giáo dạy văn họ Vương, lớn tuổi hơn một chút, trông rất đỗi dịu dàng và tri thức.
Ngay buổi học làm văn đầu tiên, Hồ Mục Viễn viết miệt mài, càng viết càng dài. Chuông tan học reo vang, tổ trưởng đến thu bài, cô vẫn chưa viết xong. Dĩ nhiên, tổ trưởng chẳng chờ ai.
Hai tiết học trôi qua, Hồ Mục Viễn đành tự mình mang bài lên văn phòng tầng ba để nộp.
Cô Vương có phần bất ngờ, lật xem bài của cô.
Hồ Mục Viễn thấp thỏm giải thích: “Em không cố ý nộp muộn đâu ạ, lúc thu bài em vẫn còn viết dở.”
“Không sao.” Cô giáo mỉm cười, dịu dàng bảo cô về lớp.
Hôm sau, trong tiết học, cô Vương đặc biệt khen ngợi cô trước cả lớp. Cô nói Hồ Mục Viễn rất chăm chỉ, nghiêm túc, còn bảo cô đứng lên bục giảng, đọc bài viết của mình cho mọi người nghe.
Lớp im phăng phắc.
Từng ánh mắt đều đổ dồn vào cô.
Lần đầu tiên bị nhiều người nhìn chăm chú đến thế, bàn tay cầm bài của cô hơi run lên.
Cô bé hít sâu, bắt đầu lắp bắp đọc.
Cô viết về một chú chó nhỏ lang thang trong khu nhà công nhân – tên nó là Bánh Quai chèo.Bánh Quai chèo bị tật ở chân sau bên trái, nhưng rất lành, thân thiện với tất cả mọi người.
Trong bài văn, cô ghi lại vô số khoảnh khắc đáng yêu của nó: dáng vẻ làm nũng mỗi khi thèm ăn, sự kiên trì khi chạy đi nhặt thanh gỗ, dù trông rất vụng về.
Càng đọc, cô càng thấy trôi chảy, khóe môi bất giác nở nụ cười, như thể những hình ảnh đó đang hiện ra ngay trước mắt.
Khi cô dứt lời, cô Vương là người vỗ tay đầu tiên.
Cô khen cô bé có vốn từ phong phú, dùng thành ngữ chính xác, khuyến khích cả lớp học tập.
Hồ Mục Viễn ngồi lại vào chỗ, đầu óc cứ lơ lửng như đang trôi trên mây.
Từ hôm đó, môn làm văn trở thành môn cô yêu thích nhất.
Bài viết của cô thường xuyên được chọn làm mẫu trong các tiết giảng.
Cô Vương rõ ràng rất thích cô, thường xuyên khen ngợi không tiếc lời.
Sự hiện diện của cô trong lớp bỗng trở nên rõ nét hơn.
Dần dần, có bạn nữ chủ động bắt chuyện với cô, cùng trò chuyện về những bài hát và bộ phim thần tượng mới.
Có người mang sách mới cho cô mượn, có người mời cô về nhà chơi.
Nhưng cô không thể đi.
Tan học, cô phải về nhà ngay để nhóm bếp than.
Những lời khen ngày một nhiều, Hồ Mục Viễn cũng không nhịn được mà khoe với mẹ.
Cô chưa bao giờ chủ động nói chuyện với bố, nhưng trong lòng vẫn mong ông có thể nghe thấy.
Dù cô biết rõ, cả bố và mẹ, ngoài câu “đừng tự mãn” ra, sẽ chẳng nói gì khác.
Nhưng không sao.
Cô nghĩ, mình đâu còn là đứa trẻ lớp Một dễ tủi thân ngày xưa nữa.
Chắc vì dạo này mọi chuyện êm đềm quá, Hồ Mục Viễn sinh chủ quan, liều lĩnh mang cuốn truyện tranh bạn cho mượn về nhà.
Ở trường chưa đọc xong, lại nóng lòng muốn biết tiếp diễn biến, cô tranh thủ lúc nhóm bếp xong, kẹp truyện vào sách toán, vừa lật vừa dõi mắt theo từng trang.
Cô mải mê đến mức không nghe thấy tiếng chân Hồ Đông Thành lên lầu.
Thường thì, để xem cô có đang làm gì không, ông hay cố tình bước thật khẽ, dắt xe đạp cũng thật nhẹ nhàng. Nhưng trải qua bao lần như thế, Hồ Mục Viễn đã luyện thành thói quen, chỉ cần từ những âm thanh chạm nhau dưới nhà là có thể nhận ra đâu là tiếng xe của cha, lập tức ngay ngắn lưng thẳng, sách vở xếp gọn gàng.
Nhưng hôm nay, ngay thời điểm cần cảnh giác nhất, cô lại buông lỏng mất rồi.
Đến khi giật mình ngẩng lên, cuốn truyện tranh đã bị Hồ Đông Thành rút khỏi tay.
Cô hoảng hốt đến suýt bật dậy, nhưng giây tiếp theo, cô thấy hai bàn tay bố đang giữ chặt hai mép truyện—
“Đừng mà! Bố, đây là—” Cô bé lắp bắp.
Ông không để cô nói hết câu.
Chỉ một cái giật mạnh, cuốn truyện rách đôi. Ông ném phần dày hơn về phía cô, trúng thẳng vào mặt.
“Mày giỏi lắm Hồ Mục Viễn? Còn biết coi truyện tranh nữa cơ đấy!”
Vừa chửi, ông vừa xé.
Cô bật khóc, khàn giọng cầu xin: “Đừng xé… Đây là bạn con cho mượn, không phải của con, con còn phải trả lại…”
Hồ Đông Thành hừ lạnh: “Tao bỏ tiền cho mày đi học là để mày đọc mấy thứ này à? Trả? Mày trả đi, lấy mấy thứ này mà trả đi.” Ông đá vào đống giấy vụn dưới đất.
Cô sững sờ nhìn những mảnh giấy màu tả tơi, một cơn hoảng loạn ập đến.
Ngày mai đi học, biết phải nói sao với bạn đây?
Hồ Đông Thành nghiến giọng: “Sau này cứ mượn đi, tao thấy một quyển xé một quyển, xem còn ai dám cho mày mượn nữa.”
Chưa nguôi giận, ông túm đáy cặp cô, trút hết mọi thứ ra bàn.
“Tao coi thử xem, mấy ngày nay mày mang cái gì tới lớp.”
Tìm một hồi không thấy gì bất thường, ông lại đập mạnh lên đầu cô.
“Ngây ra đó làm gì? Dọn dẹp cho sạch!”
Nắm tay cô siết chặt. Cảm giác ấm ức cuồn cuộn dâng trào. Nhưng cô chỉ lặng lẽ quét dọn, tối đó tuyệt nhiên không động đũa.
Chẳng ai dỗ cô cả.
Hồ Đông Thành còn cười, nói với Trương Thiến: “Kệ nó, cứ dỗ riết sinh hư. Không ăn thì nhịn, đói tự khắc mò đi ăn.”
Cô bướng bỉnh không màng. Làm bài xong, cô leo lên giường, không nói với bố mẹ một câu.
Sáng hôm sau, Trương Thiến lay cô dậy, đặt tiền bánh bao lên bàn: “Tiền đây, mẹ đi làm.”
Cô chẳng buồn đáp.
Đeo cặp bước đến cổng trường, nhưng cô không đủ can đảm để vào lớp.
Vừa lúc ấy, một bạn cùng lớp đi tới.
Không hiểu sao, cô bỗng dưng có gan làm chuyện liều—
Cô đặt cặp sau gốc cây, nhờ bạn vào xin phép cô cho mình nghỉ một ngày.
Bạn kia không mảy may nghi ngờ, gật đầu rồi đi vào.
Cô không dám về nhà, càng không dám đi đường lớn, chỉ sợ gặp phải người quen.
Hồ Mục Viễn thấy cặp sách vừa nặng vừa dễ bị chú ý, bèn giấu nó vào một bụi cỏ ven đường.
Tay không, cô cứ thế lang thang vô định trên phố.
Đi mỏi chân thì ngồi thẫn thờ bên vệ đường.
Trong đầu cô chỉ có cuốn truyện tranh ấy.
Buồn bã, tự trách, lo lắng—bao cảm xúc đan xen đến nghẹn lòng.
Cô chợt thấy sống mũi cay xè, nước mắt tự dưng trào ra.
Cô đâu định khóc. Cô cũng không nghĩ mình đang khóc.
Chỉ là không cách nào ngăn được nước mắt.
Một chiếc xe đạp màu bạc lướt qua trước mặt cô, rồi bất ngờ lùi lại.
“Đây là nhóc con nhà ai mà trông thảm thế này—”
Đàm Nhất Chu dừng xe, ngồi xổm xuống trước cô.
“Sao lại ngồi đây khóc thảm thiết vậy hả?”
Hồ Mục Viễn vội lấy tay che mặt, cuống quýt lau nước mắt.
Đàm Nhất Chu đưa cho cô hai tờ khăn giấy.
“Từ từ lau.”
Cô cố nín thở, gắng gượng kìm nước mắt, làm như chẳng có chuyện gì, ngẩng lên nhìn Đàm Nhất Chu.
Cô không muốn mất mặt trước anh.
Đàm Nhất Chu hỏi: “Giờ này mà còn lang thang ngoài đường, sao không đến trường?”
Cô đáp nhỏ: “Em không đi.”
“Cúp học à?”
Cô không trả lời.
Đàm Nhất Chu trêu: “Có phải chưa làm bài tập, sợ quá không dám đi học đúng không?”
Cô phản bác ngay: “Không có!”
“Thế thì sao?” Anh xoa đầu cô. “Ai ăn hiếp em à? Kể anh nghe coi.”
Hồ Mục Viễn lại thấy cay mắt.
Suýt nữa, nước mắt lại chực rơi.
Cô nghiêng đầu, giọng lí nhí: “Không có gì hết. Chỉ là không muốn đi thôi.”
Đàm Nhất Chu chép miệng: “Không muốn đi cũng không thể lang thang thế này. Em không sợ bị kẻ xấu bắt cóc hả?”
Cô bướng bỉnh: “Em không sợ. Ở đây nhiều người lắm.”
“Ngây thơ.” Anh lắc đầu, lấy điện thoại ra. “Số bố mẹ em bao nhiêu?”
Hồ Mục Viễn bật dậy, quay đầu bỏ đi ngay.
“Ơ kìa—” Anh vội đuổi theo, bất đắc dĩ cười: “Rồi rồi, anh không gọi nữa, đừng chạy.”
Nhìn đồng hồ, anh gợi ý: “Thế này đi, chẳng phải em thích đọc sách sao? Anh đưa em đến một chỗ hay ho.”
Lời của editor:
Anh Nhất Chu giờ đã là sinh viên đại học rùi á mấy bác, chênh lệch cỡ 10 tuổi :))) Ôi cái thuyền dự định sớm chìm. Chương Trì nhìn dậy hoi chứ nhỏ dễ huông tốt bụng lắm.